Cuối năm 2022 Làn sóng cắt giảm lao động
H
àng chục nghìn lao động phía Nam mất việc do nhà máy thiếu đơn hàng, con số này có thể tăng khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa thể hồi phục.
Đầu tháng 9, nhà máy S.K Vina (TP HCM), trong ngành may mặc, với gần 900 công nhân, nhận yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động từ công ty mẹ bên Hàn Quốc. Lý do đưa ra là một hãng thời trang bất ngờ hủy toàn bộ đơn hàng, tập đoàn không tìm được đối tác khác bù vào. S.K Vina cần hoàn tất phương án giải thể trong tháng 11. Tiền lương, các khoản bồi thường, hỗ trợ cho công nhân gần 30 tỷ đồng sẽ được tập đoàn “rót” từ Hàn Quốc sang. Những đơn hàng dang dở được chuyển đến nhà máy ở Bình Dương để hoàn thiện.

Cuối năm 2022 Làn sóng cắt giảm lao động
Công ty S.K Vina hoạt động tại TP HCM gần 15 năm. Từ giữa năm nay, trong khi hầu hết doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng bởi sức mua của thị trường châu Âu, Mỹ giảm, S.K Vina vẫn có hàng để sản xuất, công nhân chỉ phải giảm giờ làm thêm. “Không ai trong chúng tôi chuẩn bị cho tình huống phải giải thể”, đại diện công ty nói. Nhà máy muốn giữ lại công nhân nhưng trong bối cảnh đơn hàng trong ngành giảm đồng loạt lãnh đạo khó xoay ra việc để làm.
Cách nhà máy S.K Vina hơn 200 km, ở miền Tây, từ tháng 10 đến cuối tháng 12 lần lượt hơn 5.300 lao động (chiếm 53% nhân sự) của Công ty TNHH An Giang Samho, sản xuất da giày, lâm cảnh thất nghiệp. Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, công ty cho hay một đối tác lớn của doanh nghiệp, chiếm 40% quy mô sản xuất, đã dừng đặt hàng. Nhiều đơn hàng khác cũng sụt giảm vì lạm phát, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Công ty cố gắng tìm kiếm nguồn hàng khác để bù đắp nhưng không thể xoay chuyển, phải thu hẹp sản xuất, sắp xếp lao động.
Cuối năm 2022 Làn sóng cắt giảm lao động
Sau nhiều cuộc làm việc với ngành chức năng địa phương, công ty quyết định không cắt giảm những lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, một mình nuôi con, người có sổ hộ nghèo. Nếu gia đình có nhiều người làm ở An Giang Samho, nhà máy sẽ giữ lại một người… Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang Phạm Sơn nói nhiều năm làm việc ông chưa từng gặp trường hợp nhà máy cho nghỉ cùng lúc hơn 5.000 công nhân như An Giang Samho. Số lượng lao động bị ảnh hưởng quá lớn nên ban đầu khâu giải quyết của địa phương khá lúng túng.
S.K Vina, An Giang Samho là hai trong số các nhà máy ở phía Nam phải cắt giảm lao động do thiếu, mất đơn hàng. Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Việc cắt giảm này đi ngược xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.
Ở một số địa phương khác, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương, đến cuối tháng 10, khoảng 28.000 người bị ngưng việc. Khảo sát của công đoàn tỉnh này cho thấy, khoảng 240.000 lao động bị ảnh hưởng. Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Con số này ở Long An thời gian qua hơn 1.000 người, có nhà máy giảm 700 nhân sự…
Tại TP HCM, hồi giữa tháng 10, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm cho biết năm 2022 hơn 2.800 lao động bị mất việc. Tuy nhiên, số liệu từ các địa phương cho thấy chỉ với ba nhà máy ở quận 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, lao động bị cắt giảm thời gian qua đã hơn 3.400 người. Một nhà máy giày ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) với hơn 6.000 công nhân đang tính giảm nhiều nhân sự vì thiếu đơn hàng.